Những ngày vừa qua, cả cộng đồng người Việt dậy sóng trước thông tin 54 bị cáo nhận hối lộ, ăn chặn đồng bào trong vụ "Chuyến bay giải cứu". Đến nay mọi việc đã vỡ lẽ, bọn họ đều đang đứng trước vành móng ngựa và được đề nghị mức án dưới các cấp độ khung hình phạt. Bài viết này sẽ điểm lại thông tin về sự việc gây rúng động dư luận này.
Ý NGHĨA CHUYẾN BAY GIẢI CỨU
Vào tháng 1/2020, đại dịch COVID-19 đã bùng phát và nhanh chóng lan sang khắp nơi trên thế giới. Đến tháng 4/2020, hàng triệu người đã mắc bệnh và hàng trăm nghìn người đã tử vong vì đại dịch này. Nhiều quốc gia đã phải áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt như phong tỏa, đóng cửa biên giới và ngừng các chuyến bay quốc tế để ngăn chặn sự lây lan của virus. Trong tình hình lo ngại về dịch bệnh, nhu cầu của người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài trở nên ngày càng cấp thiết hơn bao giờ hết.
Dù điều kiện kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, công cuộc chống dịch lại đang vào giai đoạn phức tạp và tốn kém, nhưng Đảng và Nhà nước vẫn tạo thuận lợi để đón công dân của mình trở về Tổ quốc. Sau thành công của chuyến bay đưa 30 công dân Việt Nam từ Vũ Hán, Trung Quốc về nước vào tháng 3/2020, với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau,” tháng 4/2020, Chính phủ cho phép thực hiện việc đưa công dân từ nhiều địa bàn trên thế giới trở về.
Những đối tượng ưu tiên-khi đó, được quy định gồm: Học sinh dưới 18 tuổi; người trên 60 tuổi; người điều trị bệnh tại nước ngoài hoặc có tiền sử các bệnh lý nền như tiểu đường, tim mạch, ung thư…; phụ nữ mang thai; khách du lịch, thăm thân hết hạn thị thực; sinh viên đã hoàn thành chương trình học; công dân đi công tác ngắn hạn đã hết thị thực, lao động hết hạn hợp đồng.
Chính sách kịp thời này đã được đánh giá cao bởi cộng đồng quốc tế và được ủng hộ bởi người dân trong và ngoài nước, thể hiện tính nhân đạo của Đảng và Nhà nước. Để đáp ứng nhu cầu hồi hương của người dân, Chính phủ cho phép các doanh nghiệp tổ chức các "chuyến bay combo" song song với việc tổ chức các "chuyến bay giải cứu" trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp trên toàn thế giới và trong nước đang kiểm soát tốt dịch.
Tuy nhiên, giữa những tích cực mà "chuyến bay giải cứu" mang lại, đã có những kẻ chức cao quyền mạnh lợi dụng tình hình, cấu kết với nhau để trục lợi với sô tiền lên đến hàng trăm tỉ đồng
THỦ ĐOẠN TINH VI - 54 BỊ CÁO ĐÃ PHẢN BỘI ĐỒNG BÀO
Lợi dụng chủ trương nhân đạo của Đảng và Nhà nước, một số bị cáo là những cán bộ có thẩm quyền ở các bộ, ngành đã trục lợi bằng cách gây khó khăn, nhũng nhiễu, buộc doanh nghiệp phải nâng giá vé máy bay để có "bôi trơn", đưa hối lộ...
Các cán bộ ở nhiều bộ, ngành, địa phương đã nhận hối lộ "cực kỳ tinh vi" với số tiền đặc biệt lớn khi được giao cấp phép các "chuyến bay giải cứu". Hành vi nhận hối lộ của 21 cán bộ đã "phản bội sự cố gắng của chính đồng đội, đồng chí, đồng nghiệp của mình", VKS đánh giá.
Thủ đoạn phạm tội của các cựu quan chức "cực kỳ tinh vi", đưa ra yêu cầu, thỏa thuận, mặc cả về giá buộc các doanh nghiệp phải đưa tiền. Một số bị cáo có thẩm quyền đã gây khó khăn trong việc thẩm định, đề xuất, duyệt cấp phép các chuyến bay. Điều này dẫn đến các doanh nghiệp phải chi tiền theo "luật bất thành văn" mới được cấp phép thực hiện chuyến bay.
TRUY TỐ ĐẾN CÙNG CÁC ĐỐI TƯỢNG PHẠM TỘI VẪN NGOAN CỐ
Trong danh sách 54 đối tượng bị cáo, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã đưa ra truy tố:
- 21 bị cáo về tội “Nhận hối lộ.”
- 23 bị cáo về tội “Đưa hối lộ."
- 4 bị cáo về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ."
- 4 bị cáo về tội “Môi giới hối lộ."
- 1 bị cáo về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản."
- 1 bị cáo về cả hai tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và “Đưa hối lộ."
Có khoảng 120 luật sư đại diện cho 54 bị cáo trong vụ án.
Trước khi phiên tòa diễn ra, đã có gần 120 luật sư đăng ký tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo. Đây là một trong số ít các phiên tòa tại Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội có số lượng luật sư tham gia bào chữa kỷ lục. Trong số đó, bị cáo Vũ Hồng Quang (cựu Phó trưởng Phòng Vận tải Hàng không, Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải) có nhiều luật sư bào chữa nhất (6 luật sư).
HỒI KẾT CHO NHỮNG KẺ PHẢN BỘI
Sau hơn một năm vụ án được "cất lưới" điều tra, mọi chuyện dần được hé lộ và phơi bày trướng ánh sáng của pháp luật.
Vụ án liên quan đến việc đưa, nhận hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ cũng như môi giới hối lộ đã xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và một số đơn vị liên quan. Đây là một trong năm vụ án được Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực yêu cầu khẩn trương xét xử sơ thẩm tại cuộc họp vào ngày 10/5/2023.
Các vụ án còn lại bao gồm:
1. Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án Khu Thương mại dịch vụ và Dân cư Tân Việt Phát 2, phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận (đã xét xử trong tháng 5/2023).
2. Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 1 - Cienco1 (đã xét xử trong tháng 6/2023).
3. Vụ án “Buôn lậu, vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới” xảy ra tại khóm 5, phường Châu Phú An, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang (đã xét xử trong tháng 2/2023 nhưng sau đó Tòa án Nhân dân tỉnh An Giang quyết định hoãn phiên tòa, trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung).
4. Vụ án "tham ô tài sản” xảy ra tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam (đã xét xử trong tháng 6/2023). |